Xu hướng của người tiêu dùng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) năm 2025

Ngành Thực phẩm & Đồ uống, đặc biệt là lĩnh vực bánh mì và các sản phẩm từ bánh mì, đang chứng kiến những xu hướng mới khi thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng thay đổi.

Từ nhu cầu dinh dưỡng cơ bản, lựa chọn sản phẩm có giá trị, cho đến tính bền vững và đổi mới sáng tạo, các xu hướng năm 2025 phản ánh sự thay đổi về mối ưu tiên trong ngành bánh mì tại khu vực APAC.

XU HƯỚNG 1: Thực phẩm dinh dưỡng cơ bản

Với nhận thức ngày càng cao về các nhu cầu sức khỏe cốt lõi, người tiêu dùng dần chú trọng đến thực phẩm dinh dưỡng cơ bản để hỗ trợ sức khỏe toàn diện trong mọi giai đoạn cuộc đời.

  • Tại khu vực APAC, nhu cầu dinh dưỡng thay đổi theo nhóm tuổi: người lớn tuổi tại các quốc gia như Malaysia và Philippines ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, ít đường và có nguồn gốc tự nhiên; trong khi đó, người tiêu dùng trẻ tuổi chú trọng đến việc hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ nhưng vẫn phải đảm bảo hương vị thơm ngon.
    • Để đáp ứng những nhu cầu đa dạng này, dinh dưỡng phù hợp với cá nhân đang trở thành một xu hướng chính. Theo đó, các sản phẩm được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi, giới tính, lối sống, thậm chí tình trạng sức khỏe cụ thể.
  • Nhu cầu về thực phẩm tươi, trái cây và các loại thực phẩm bổ sung (như vitamin) ngày càng cao, cho thấy người tiêu dùng mong muốn có được chế độ ăn uống cân bằng.
  • Bao bì sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng – việc nêu bật lợi ích về sức khỏe, đơn giản hóa thông tin và phổ biến kiến thức người tiêu dùng có thể ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.

Chiến lược hành động:

  • Phát triển các sản phẩm bánh mì chức năng, có chứa những nguyên liệu như chất xơ, ngũ cốc nguyên cám và vitamin để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
  • Tạo ra sản phẩm dành riêng cho từng độ tuổi, với nguyên liệu cải tiến phù hợp với từng nhóm tuổi cụ thể và nhu cầu dinh dưỡng tương ứng.
  • Nêu bật lợi ích về sức khỏe trên bao bì, truyền tải thông tin rõ ràng về lợi ích để giúp người tiêu dùng hiểu về sản phẩm và xây dựng niềm tin.
XU HƯỚNG 2: Lựa chọn sản phẩm có giá trị

Tại khu vực APAC, xu hướng quan tâm đến giá trị không chỉ dừng lại ở giá cả mà còn bao gồm chất lượng, sự hài lòng về mặt cảm xúc và trải nghiệm tổng thể.

  • Thay đổi này đặc biệt dễ thấy khi lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng ở các quốc gia như Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ, khiến người tiêu dùng đặt giá cả lên hàng đầu. Trong khi đó, ở các thị trường như Singapore và Đài Loan, người tiêu dùng chú trọng đến giá trị hơn là giá cả.
  • Điều đáng lưu ý là từ nay đến năm 2025, sức khỏe thể chất và tinh thần dự kiến sẽ là hạng mục chi tiêu hàng đầu ở khu vực APAC, do người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm mang lại giá trị tối đa trên cả phương diện lợi ích vật chất và tinh thần.
  • Người tiêu dùng cũng ngày càng muốn mua hàng cao cấp với giá tốt – các thương hiệu nội địa bán sản phẩm chất lượng cao với mức giá phải chăng, cũng như các thương hiệu quốc tế giảm giá cho sản phẩm cao cấp.
  • Xét về tổng thể, sức khỏe, hương vị và giá thành vẫn là những yếu tố then chốt quyết định đến giá trị của sản phẩm so với số tiền bỏ ra.

Chiến lược hành động:

  • Thiết kế bao bì nhỏ gọn hơn cho người tiêu dùng muốn tiết kiệm ngân sách tại những quốc gia mà giá cả là mối quan tâm hàng đầu do lạm phát.
  • Cung cấp các sản phẩm cao cấp với mức giá phải chăng, ra mắt bánh mì có chất lượng cao cấp như bánh mì chua với mức giá hợp túi tiền.

 

XU HƯỚNG 3: Tính bền vững

Mặc dù các nước phát triển ở phương Tây quan tâm đến tính bền vững hơn, nhưng xu hướng này cũng đang dần được chú trọng và đề cao ở khu vực APAC khi người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về các vấn đề môi trường. Mức quan tâm ngày càng tăng này cho thấy các thương hiệu cần tập trung vào phương pháp kinh doanh bền vững và đáp ứng những giá trị mới này của người tiêu dùng.

  • Ý thức bảo vệ môi trường đang định hình lại cách người tiêu dùng mua sắm, trong đó hơn một nửa người tiêu dùng ở APAC thích những thương hiệu giảm lượng khí thải carbon.
  • Các hoạt động như giảm sử dụng nhựa và giảm thiểu lãng phí thực phẩm là những mối ưu tiên hàng đầu.
  • Các thương hiệu đáp ứng được những giá trị này sẽ có lợi thế cạnh tranh, vì người tiêu dùng ngày càng hướng tới lựa chọn thân thiện với môi trường, phù hợp với trách nhiệm cá nhân của họ đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

Chiến lược hành động:

  • Sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.
  • Trên bao bì, đề cập đến các giải pháp thân thiện với môi trường mà thương hiệu đã thực hiện.
XU HƯỚNG 4: Trải nghiệm đột phá sáng tạo

Cuối cùng, tính đổi mới sáng tạo vẫn là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng. Người tiêu dùng đang chủ động tìm kiếm cơ hội trải nghiệm nhiều hơn bao giờ hết và muốn khám phá những cách khác nhau để tương tác với các thương hiệu.

  • Đa số người tiêu dùng tại khu vực APAC muốn có trải nghiệm thú vị và độc đáo, trong đó 57% người tiêu dùng tìm kiếm những trải nghiệm mới này qua sự kết hợp hương vị đặc sắc và đậm đà.
  • Những sản phẩm vừa mới lạ vừa ngon miệng rất được người tiêu dùng yêu thích, phản ánh sự cân bằng giữa sức khỏe, sự hài lòng và tính sáng tạo.

Chiến lược hành động:

  • Thử những hương vị mới lạ.
  • Tạo ra trải nghiệm tương tác cho người tiêu dùng, xứng đáng để họ chia sẻ trên Instagram.

Tóm lại, ý thức về sức khỏe, thói quen chi tiêu chú trọng đến giá trị, trách nhiệm bảo vệ môi trường và tính đổi mới sáng tạo là những yếu tố đang định hình tương lai của bánh mì và ngành bánh mì.
Để bắ

t kịp sở thích và xu hướng của người tiêu dùng, các thương hiệu cần chủ động đảm bảo cải tiến sản phẩm hiện tại để bổ sung lợi ích sức khỏe phù hợp cho các phân khúc khác nhau. Đồng thời, các sản phẩm đổi mới cần thể hiện rõ lợi ích sức khỏe tiềm năng với mức giá hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế của từng quốc gia. Các thương hiệu cũng cần cải thiện danh mục sản phẩm của mình thông qua việc hợp tác với thương hiệu khác để tạo nên “hiệu ứng lan tỏa”, nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng và khuyến khích họ trải nghiệm những sản phẩm mới thú vị. Điều này cũng giúp các thương hiệu xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong lòng người tiêu dùng như một thương hiệu tích cực đổi mới và làm hài lòng khách hàng. Cuối cùng, mặc dù tính bền vững đang có xu hướng nổi lên nhanh hơn ở các quốc gia phát triển phương Tây, nhưng các thương hiệu tại khu vực APAC cũng cần chú ý đến mối quan tâm ngày càng lớn của người tiêu dùng về biến đổi khí hậu, từ đó xây dựng hình ảnh là một thương hiệu biết quan tâm và tích cực nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải carbon cũng như áp dụng các giải pháp khác như túi tái chế, túi bánh mì tái sử dụng/có thể dán kín để tăng hạn sử dụng, các sáng kiến giảm thiểu lãng phí thức ăn, v.v.

Những thương hiệu biết nắm bắt các xu hướng trên và đáp ứng thị hiếu đang thay đổi của người tiêu dùng tại khu vực APAC sẽ có vị thế vững chắc để thành công trong thị trường năng động này.

No Comments

Sorry, the comment form is closed at this time.